Đang tải dữ liệu ...
Tất cả
X
Hotline: 0943 93 97 55
Chợ tết Việt
Văn bản, chính sách mới
Tài chính, chứng khoán, ngoại hối, tiền điện tử
Bất động sản, nhà đất
Chợ tình Việt
chợ phiên việt

Chợ phiên ngày giáp Tết

2017-12-01 14:30:45

Chợ phiên ngày giáp Tết
Mưa, lạnh… cả khoảng trời như được choàng lên tấm voan mỏng, đường đất lép nhép ướt nhưng không làm bước chân chúng tôi chùng lại khi rủ nhau về chợ phiên. Đó là một phiên chợ ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 ở xã Quy Kỳ, huyện Định Hoá. Từ sáng sớm, trên dọc các ngả đường đã ríu ran tiếng người về chợ

Có tiếng xe ô tô ù ì gần sau lưng, chúng tôi cùng đứng nép sang vệ đường tránh lối. Xe của tư thương mang hàng hoá từ thành phố lên; xe mang hàng nông sản từ các vùng lân cận về; nhiều người đủng đỉnh về chợ còn dắt theo con lợn, con trâu; có người lễ mễ xách cặp gà, đôi lợn giống; có người gùi trên lưng mớ rau rừng, bó măng, gánh củi… nhọc mệt, song ai nấy hăm hở bước. Bà con về chợ để bán và để mua. Nhưng cũng có nhiều người về chợ chẳng mang theo gì để bán, cũng chẳng có tiền để mua. “Họ” về chợ phiên để gặp bạn, để sẻ chia một niềm riêng, và hẹn nhau Tết đến nhà chơi.

 

Chúng tôi cũng bước mau hơn trong mưa ướt. Rồi, lòng trùng lại, chợ là đây, ở một khu đất rộng rãi, tiếng loa rao bán hàng, tiếng nhạc rền vang xập xình làm tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Là chợ phiên, nhưng hàng hoá được bán thành từng khu, như khu bày bán thực phẩm tươi sống; khu bán rau xanh; khu bán chè, bán thuốc nam chữa bệnh… Giáp Tết, chợ phiên sặc sỡ hơn bởi sắc màu thổ cẩm, ngoài những mặt hàng nông sản thường phiên còn có nhiều hàng hoá mang từ thành phố lên bày bán, như: Bánh kẹo, mứt Tết, quần áo, hàng gia dụng, đồ điện, những quả bóng bay nhiều màu và đồ chơi trẻ em. Cùng đó là các mặt hàng nông, lâm, thổ sản được nhiều người chọn mua như: măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, củ mài…

 

Chuyện chợ phiên, anh Ngô Nguyên Lạc, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện cho biết: 100% số xã, thị trấn trong huyện đều có chợ phiên. Do chợ họp luân phiên, nên hầu như trong huyện ngày nào cũng có chợ. Cứ 5 ngày 1 phiên, và theo nguyên tắc 2 xã giáp nhau không trùng phiên chợ; ngày 31 của tháng không họp chợ. Ví như ở xã Quy kỳ, chợ được họp vào ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 hằng tháng. Cách Quy Kỳ 16 km, chợ phiên Bình Yên được họp cùng ngày với chợ phiên xã Quy Kỳ. Còn ở thị trấn Chợ Chu và khu ngã ba Quán Vuông được họp chợ vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 hằng tháng. Nhờ cách “phân bổ” ngày họp chợ khoa học, nên người dân trong huyện thuận tiện việc bán, mua. Hàng nông sản của người dân làm ra không bị tư thương ép giá.

 

Chợ phiên đủng đỉnh, không vội vã. Giữa người bán, người mua dường như đã quen thân từ lâu. Cứ chen chân, thích vai đi tới, đi lui, ngắm cho đã đôi con mắt, nếm rượu cho mềm môi mới tính chuyện sắm sanh. Tôi lặng lẽ đi theo hai mẹ con người đàn bà, thấy từ hồi sớm đã bán xong gùi măng tươi, rồi dắt con đi dọc chợ. Đứa con gái níu tay mẹ đòi mua áo mới. Người mẹ nở nụ cười nựng con, bảo: Học giỏi, mẹ mới mua cho… Tôi biết, người mẹ ấy phân vân, lưỡng lự với số tiền bán gùi măng hồi sớm, chẳng được là bao khi trong nhà còn nhiều thứ cần dùng đến tiền. Nhưng sau cùng, người mẹ ấy đã không cầm được lòng, mở túi lấy tiền mua bộ cánh mới cho con gái diện ngày Xuân.

 

Bên quầy hàng điện tử, mấy người đàn ông thích thú nhìn ngắm những giàn đèn điện nhấp nháy. Họ bảo nhau mua về để trang trí mâm ngũ quả, bàn thờ tổ tiên và treo lên cây đào, cây mận… Có nhiều người về chợ còn nguyên vẹn áo quần lam lũ, ăn vội nắm xôi vừa mua của chị hàng quà, mau mải đến khu bán dụng cụ lao động, cầm lên những dao, liềm, lưỡi cuốc gõ nhẹ vào nhau, lắng nghe cái âm thanh trong trẻo để đoán độ non, già của thép. Họ về chợ mua thêm nông cụ sản xuất.

 

Bận bịu, âu lo hơn là những người đàn bà về chợ, họ cân nhắc nên mua những gì với số tiền mình có trong túi, nhất là khi Tết đến, Xuân về. Chuyện mua sắm, một người đàn bà đã nói rất thực với chúng tôi: Bây giờ, việc ăn, uống không còn quan trọng như ngày xưa nữa, nên tôi chỉ mua đủ cho gia đình dùng ba ngày Tết, chứ không bỏ ra cả đống tiền để mua về, ăn không hết, đổ đi thì phải tội anh ạ. Một phụ nữ có mặt gần đó góp chuyện: Năm nay, nhờ lúa được mùa, chè tốt, kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng tôi về chợ sắm sanh không phải cân nhắc nhiều như năm trước. Cách đây 3 hôm, vợ chồng thống nhất mua cái ti vi 40 inch xem thời sự. Còn việc sắm hàng Tết, nhà tôi thực hiện 3 không: Không mua hàng hết hạn sử dụng, không mua hàng không có tem nhãn xuất xứ nơi sản xuất và không mua hàng Trung Quốc nhập lậu. Trong một quán ăn, mấy người đàn ông lâu ngày gặp nhau, họ gọi nhau là bạn “tòng”. Tri âm, tri kỷ, chén thù chén tạc làm mặt ai nấy đỏ nhừ. Họ hỏi thăm nhau về chuyện làm ăn, chuyện nuôi dạy con cháu trong nhà. Họ chào nhau ra về mà đôi bàn tay cứ nắm chặt, chẳng muốn rời xa.

 

 

Cuối phiên chợ, những chiếc xe ô tô cõng hàng từ thành phố lên đã bán vợi, thay vào đó là các mặt hàng nông sản như ngô, gạo, chè, măng tươi và những đặc sản đồng rừng được bốc xếp lên xe, chuyển về thành phố bán cho người tiêu dùng. Tất cả cứ xởi lởi, vui vẻ, cùng hẹn một ngày xuân vui vầy, ấm áp.

Nếu cần hỗ trợ, hãy gọi theo số 0943 93 97 55

Hoặc email: chophienviet.com@gmail.com

Tỷ giá vàng và Ngoại tệ

Bảng chứng khoán

Thời tiết